SHARE
Rate this post

(Ngày Nay) –  Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, chuyên gia dự báo nhân lực nhận định, thực tế biến động lao động trong các doanh nghiệp rất lớn, nhất là các doanh nghiệp tư nhân. Bình quân, doanh nghiệp tuyển mới 3 lao động thì có 2 lao động đang làm việc trước đó di chuyển đến nơi khác, tỷ lệ biến động lao động bình quân 40 – 50%.

Theo ông, biến động lao động tại các đơn vị sản xuất thuộc ngành may rất cao, bình quân 20%/năm (di chuyển qua lại trong các đơn vị sản xuất may khoảng 40.000 người/năm). Đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước có những đơn vị biến động lao động 50 – 60%/năm. Tỷ lệ lao động thôi việc, bỏ việc, chuyển chỗ làm việc và tỷ lệ tuyển dụng lao động mới cũng rất cao bình quân 18-20%/năm/doanh nghiệp. Việc dịch chuyển nhanh chóng cơ cấu đầu tư đã đặt ra yêu cầu về nhân lực thay đổi, đòi hỏi cơ cấu nhân lực mới, trong khi đó cung lao động chưa chuyển dịch kịp thời.

Công nhân trong vòng xoáy suy thoái - Bài 4: Biến động nhân lực đang bước vào thời kỳ… khốc liệt ảnh 1
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM.

Ông Tuấn đưa ra con số khảo sát vào tháng 4/2023 với hơn 1.000 công nhân ở TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai của VCCI chi nhánh TP HCM và Tổ chức di dân quốc tế IOM. Kết quả: 15,5% người lựa chọn sẽ về quê trong thời gian tới, 44,6% người lưỡng lự và 39,9% người chưa có dự định. Theo cuộc khảo sát này, lý do lớn nhất để lao động về quê là gần gia đình, thu nhập khi làm việc ở thành phố không đủ trang trải cuộc sống.

Lý do khác là cơ hội việc làm ở tỉnh cũng đã tốt hơn khi chính sách mở rộng các khu công nghiệp trên khắp cả nước, không tập trung ở một số thành phố lớn như trước đây. Chi phí mặt bằng, nhân công ở TP.HCM và một số khu vực của Đồng Nai, Bình Dương tăng cao. Các doanh nghiệp dịch chuyển nhà máy về các địa phương để có chi phí rẻ hơn, kéo theo lượng lớn lao động hồi hương.

Hằng năm, tại TP.HCM nhu cầu cần bố trí việc làm có trên 300.000 người. Trong đó, gần 100.000 người là sinh viên, học sinh tốt nghiệp đại học và trên 200.000 tốt nghiệp các chương trình giáo dục nghề nghiệp. Trong tổng số nhu cầu tuyển dụng, có trên 40% nhu cầu lao động chất lượng cao với các ngành nghề kỹ thuật công nghệ thông tin, quản lý kinh tế, tài chính, hành chính, giáo dục và y tế.

Ông Tuấn dự báo, các doanh nghiệp tại thành phố hiện tại và trong tương lai cũng có nhu cầu thu hút hàng chục ngàn lao động có tay nghề kỹ thuật. Chưa kể các doanh nghiệp mới thành lập hoặc đang phát triển cũng cần tuyển một lượng lao động rất lớn. Thị trường lao động tại các đô thị hiện nay và những năm tới có sự chuyển động cả về chất và lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mới.

Việc chuyển dịch này có thể sẽ dẫn đến nhiều người lao động phải chuyển sang công việc khác như lao động đang làm ngành dệt, may, da giày và một số ngành gia công chế biến. Quá trình chuyển dịch này sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp tại thành phố luôn trong tình trạng thừa, thiếu nhân lực, chưa ổn định cân đối về số lượng và chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo cung – cầu.

Nhu cầu nhân lực của các đơn vị, doanh nghiệp tại thành phố tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu, như: Cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực thực phẩm… chiếm 21,97% và 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 54,77%. Nhu cầu nhân lực lao động đã qua đào tạo chiếm 86,13% tổng nhu cầu nhân lực.

Theo Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ trong năm 2022, đơn vị đã ghi nhận gần 13.000 nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến, tăng 44% so với năm 2021.

Thủ đoạn lừa đảo phổ biến là làm việc nhẹ lương cao, trở thành những cộng tác viên các sàn thương mại điện tử, tuyển dụng việc làm, tuyển dụng mẫu nhí, thậm chí là xuất khẩu lao động Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…

Như Ngày Nay phản ánh mới đây đã có hàng chục người thất nghiệp bị trung tâm xuất khẩu lao động S&B Hàn Quốc (TP.HCM) lừa đảo hàng trăm triệu đồng.

Theo đánh giá chung, nhu cầu đào tạo và tái đào tạo nhân lực rất lớn trong xã hội. Lực lượng lao động cần được chú trọng tập trung đào tạo và tái đào tạo để cải thiện khả năng đáp ứng, thay thế linh hoạt giữa các thành phần kinh tế và nghề nghiệp. Vì vậy thành phố luôn chú trọng các giải pháp, các chương trình, chính sách khuyến khích, đào tạo nhân lực, hỗ trợ những người không có việc làm, không có chuyên môn nghề nghiệp tích cực học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao giá trị hành nghề.

Ông Trần Anh Tuấn lập luận, việc nâng cao trình độ, chuyên môn kỹ thuật cho người lao động để bảo đảm quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động là yêu cầu cấp bách trước mắt cũng như lâu dài, mang tính “đột phá” trong chiến lược của thành phố. Yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động; tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đào tạo lao động có trình độ cao để làm “phu xe” là một sự thất bại

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế phân tích, nhà nước đang có những đổi mới về chính sách, đổi mới những yếu tố liên quan đến cuộc sống. Trong thời gian vừa qua, công nghệ 4.0 rất tiên tiến đã hỗ trợ cho những dịch vụ tiện ích trong cuộc sống người dân. Khoa học công nghệ đã thúc đẩy việc mua bán, trao đổi hàng hóa giữa người dân với nhau.

Công nhân trong vòng xoáy suy thoái - Bài 4: Biến động nhân lực đang bước vào thời kỳ… khốc liệt ảnh 2
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế phân tích.

Sắp tới, công nghệ trí tuệ nhân tạo (A.I) càng phát triển khiến cho chất lượng cuộc sống của người dân ở các thành thị lớn được nâng lên ở tầm cao mới. Chẳng hạn, các y bác sĩ có thể khám chữa bệnh hoặc thậm chí mổ cho bệnh nhân ở từ xa qua các thiết bị công nghệ cao.

Công nghệ luôn phát triển vận động theo đời sống xã hội, những người lao động sống nhờ buôn gánh bán bưng, bán dạo có nguy cơ mất việc là rất cao. Thậm chí lao động may gia công tại các nhà xưởng bị giảm đáng kể do máy móc dần thay thế. Cũng vì vậy, tay nghề lao động phải được nâng lên để đáp ứng với nhu cầu hiện đại hóa.

Ông Nhân bình luận, ngay tại các văn phòng, công sở, nhân viên làm việc ở đây đến buổi trưa cũng không cần phải đi ra ngoài để mua cơm hoặc nấu nướng tại chỗ. Tất cả đều đặt qua mạng và được giao đến tận cửa. Lực lượng lao động ở các căn tin, nhà ăn đã được cắt giảm để doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.

Áp dụng A.I trong cuộc sống là điều không bàn cãi và lực lượng lao động chân tay ở các thành phố lớn chắc chắn bị hạn chế. Hơn hết, trước những cuộc suy thoái kinh tế, người dân luôn áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” khiến hàng hóa sản xuất ra không thể tiêu thụ. Các chính sách của nhiều quốc gia nhằm kích cầu hàng tiêu dùng nhưng các mặt hàng thiết yếu vẫn được đặt lên hàng đầu.

Rõ ràng, lực lượng lao động bị sa thải rất nhiều. Ông Nhân đưa ra ví dụ, công ty điện lực lân cận TP.HCM thời điểm kinh tế ổn định cung cấp hết công suất cho các khu công nghiệp. Thế nhưng, thời gian gần đây, công ty chỉ cung ứng 60% công suất. Nguyên nhân do một số doanh nghiệp sản xuất không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Điều đó có thể thấy, nhìn tổng thể “sức khỏe” của các doanh nghiệp chỉ còn 60% và lực lượng lao động bị mất việc ở khu công nghiệp này là không dưới 40%. Hơn 5 năm trước, người dân từ nông thôn lên thành thị chỉ cần bưng mẹt bánh ít, bánh tiêu hay bánh mì là có khả năng kiếm ra tiền. Nhưng thời điểm hiện nay, điều đó là khó có thể xảy ra.

Một cách nhìn dễ thấy nhất là ở những khu nhà ổ chuột, tập trung nhiều lực lượng bán dạo để bán cho công nhân, sinh viên ở trọ. Nay, những khu nhà ấy được thay thế bằng khu nhà biệt thự hay căn hộ cao cấp. Sự thay đổi này kéo theo sự mất dần hình ảnh của những người bán dạo. Chắc chắn, cư dân ở trong các căn hộ cao cấp không thể chấp nhận cảnh nhếch nhác ở nơi mình đang sinh sống.

Ông nhân ví von, hơn 10 năm trước, sinh viên từ các vùng nông thôn lên thành thị đa phần đều phải đi thuê phòng trọ ở các khu dân cư. Ngày nay, các khu ký túc xá hiện đại lần lượt được mọc lên, hình ảnh sinh viên ở các dãy phòng trọ í ới gọi những người bán dạo để mua quà vặt đã không còn. Mặc khác, các trường học ở TP.HCM có những chương trình liên kết đào tạo tại các địa phương, nhiều sinh viên không còn phải chịu cảnh xa gia đình để học đại học.

Vậy, làm thế nào để giải quyết nhu cầu việc làm cho những lao động lớn tuổi? Đó là, cần tạo công ăn việc làm cho những người lao động muốn quay trở về quê hương. Nhiều tỉnh thành trên cả nước đều có các khu du lịch, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp sẽ phù hợp về trình độ, đáp ứng được khả năng làm việc.

Song song đó, địa phương cần đào tạo lao động có tay nghề. Nói đào tạo nghề ở đây không phải để làm ở những xưởng may lớn hay các nhà máy sản xuất công nghiệp mà là những nghề thủ công. Ví dụ, tại Bến Tre có những sản phẩm từ dừa, hoặc ở Đồng Tháp có những sản phẩm làm từ cỏ lau để cho ra thành phẩm là chiếu…

Công nhân trong vòng xoáy suy thoái - Bài 4: Biến động nhân lực đang bước vào thời kỳ… khốc liệt ảnh 3
Công nhân tại một nhà trọ ở khu công nghiệp dọn đồ đạc để về quê sinh sống.

Tóm lại vấn đề ở đây, đến năm 2030, Việt Nam và thế giới hoàn thành việc áp dụng khoa học công nghệ A.I vào trong đời sống, vào trong sản xuất thì chắc chắn lực lượng lao động chân tay ở các trung tâm kinh tế lớn sẽ thất nghiệp.

Nhìn tổng thể về việc đào tạo và phân bổ lao động ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bất hợp lý. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường hoặc những lao động có trình độ đại học đã chọn công việc làm tài xế công nghệ. Trong số đó, không ít người có chứng chỉ IELTS 6.5 cũng không có việc làm. Cách đây hơn 100 năm, chỉ những người thất học, không biết chữ mới đi làm nghề phu lái xe lôi hay đạp xích lô.

Ông Nhân nhận xét, đây là một trong những thực trạng đau lòng, làm lãng phí công sức tiền bạc của nhân dân. Hãy thử nhẩm tính, với 4 năm học đại học, mỗi một sinh viên phải chi tiêu hết bao nhiêu tiền để hoàn thành chương trình? Nếu như trong thời gian đó, họ có được một công việc đủ đáp ứng cho cuộc sống thì tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội, có ích cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

TP.HCM là một trong những khu vực phát triển về kinh tế, xã hội và có dân số đông. Với tốc độ phát triển như hiện tại mức dân số của TP.HCM cũng đang dần gia tăng.

Kết quả điều tra dân số vào ngày 01/4/2009 thì dân số TP.HCM là 7.162.864 người (chiếm 8,34% dân số Việt Nam), mật độ dân số trung bình 3.419 người/km2. Năm 2019, dân số TPHCM tăng lên đạt 8.993.082 người, đến tháng 7/2021 thì dân số TP.HCM đạt 9.077.158 người. So với năm 2009 dân số của TP.HCM đã tăng 1.800.000 người.

Trong đó, tỷ lệ nam giới chiếm 48,9% và nữ giới chiếm 51,3%. Theo tính toán của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, dân số TP.HCM năm 2023 ước tính là 9,5 triệu người, trong đó lực lượng lao động là hơn 4,8 triệu người, chiếm 50,8% tổng dân số (tăng khoảng 200.000 người so với năm 2022).

Theo thống kê, TP.HCM có 286.336 doanh nghiệp (Trong đó có trên 92% doanh nghiệp có quy mô lao động nhỏ và siêu nhỏ), 465.348 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể hoạt động với 4.729.917 lao động làm việc trong các thành phần kinh tế. Số người làm việc trong khu vực phi chính thức khá lớn, chiếm gần 1/3 số lao động tham gia hoạt động kinh tế. Số lượng doanh nghiệp và lực lượng lao động tham gia làm việc trong các thành phần kinh tế trên địa bàn Thành phố xếp vào hạng đông nhất cả nước (Niên giám thống kê năm 2020-2022: Số lượng DN chiếm 42,8%, số lao động chiếm 31,2% so với cả nước).

Lực lượng lao động thông qua ngành nghề thì hiện tại sẽ có sự phân chia theo 3 lĩnh vực khác nhau. Cụ thể:

– Khu vực I: Thuộc ngành nông – lâm – ngư thì đang giảm nhanh hơn so với trước những năm 1989, lao động thuộc nhóm ngành này đang có những lựa chọn xu hướng chuyển dịch sang các ngành mới hơn.

– Khu vực II: Các ngành nghề về công nghiệp và xây dựng. Số lượng dân cư thuộc lao động ở ngành II là 41.3% dân số. Mức phát triển tương đối ổn định và thuộc mức rất cao.

– Khu vực III: Các ngành dịch vụ: Hiện nay ngành dịch vụ tại rất nhiều tỉnh thành và không chỉ riêng TP.HCM thì đang có xu hướng tăng mạnh mẽ hơn. Tính đến năm 2021 thì có khoảng 51.9% lao động.

Trên địa bàn TP.HCM có 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tổng quy mô đào tạo khoảng 300.000 người theo các trình độ khác nhau. Hiện nay, tỷ trọng nguồn nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp ở các nhóm ngành, nghề trọng yếu là 40,65% và hơn 50% ở các ngành dịch vụ chủ yếu.

Thành phố tăng cường thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động để kết nối với người lao động. Ngoài ra, hệ thống các doanh nghiệp dịch vụ việc làm tại thành phố cũng tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu tìm việc.

(Hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cung cấp)

Nhận xét

Đăng ký xét tuyển trực tuyến Trường Trung cấp Lê Thị Riêng TP Hồ Chí Minh
>>>Đăng ký ngay!<<<