Đào tạo nghề – đột phá gỡ “điểm nghẽn” nhân lực và...

Đào tạo nghề – đột phá gỡ “điểm nghẽn” nhân lực và phục hồi kinh tế

501
Rate this post

Nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022, TS. Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm giải quyết “điểm nghẽn” nguồn nhân lực.

Nếu không tăng tốc phát triển nhân lực có kỹ năng, chúng ta sẽ “hết giờ”

Thưa Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), ông đánh giá thế nào về tác động của đại dịch Covid-19 gây ra đối với lĩnh vực lao động, nghề nghiệp việc làm?

– Cuộc suy thoái kinh tế lần này do đại dịch Covid -19, mặc dù không phải là một cuộc suy thoái kinh điển, nhưng có điểm chung so với 8 cuộc suy thoái kinh tế lớn kể từ cuộc đại khủng hoảng 1929-1933 chính là mức độ sụt giảm nhanh của GDP, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thị trường lao động và việc làm bị tác động và phân hóa mạnh mẽ. Thậm chí, Cục thống kê lao động Mỹ từng dự báo tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới 19,4% – mức cao nhất trong lịch sử cận đại.

Ở Việt Nam, năm qua đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế bị gián đoán, hoạt động sản xuất kinh doanhđình trệ. Nhiều doanh nghiệp phải cho lao động ngừng, giãn hoặc nghỉ việc; tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh và mạnh, cùng với việc nhiều lao động rời bỏ thị trường lao động.

Ngược lại, khi vắc xin đã được triển khai tiêm phòng trên diện rộng, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, kinh tế bắt đầu hồi phục, doanh nghiệp thực hiện việc tăng tốc sản xuất, kinh doanh sẽ dẫn đến việc tăng cao nhu cầu lao động, lại xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động.

Chẳng hạn, các phân xưởng của Samsung tại Khu Công nghệ cao TPHCM dự định hoạt động 100% công suất trở lại trong tháng 11/2021, nhưng vẫn gặp khá nhiều khó khăn do thiếu hụt lao động trầm trọng. Tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau dịch Covid-19 tại phần lớn doanh nghiệp hiện mới chỉ đạt 60 – 70% so với nhu cầu doanh nghiệp.

Đào tạo nghề - đột phá gỡ điểm nghẽn nhân lực và phục hồi kinh tế - 1

TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH (Ảnh: Tổng Cục GDNN).

– Vậy bài toán khôi phục lại chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề bị đứt gãy do đại dịch đang đặt ra vai trò cũng như thách thức gì đối với giáo dục nghề nghiệp?

Giờ đây, phần lớn các nhà tuyển dụng đều nhận ra giá trị của việc đầu tư vốn con người, kêu gọi khu vực công cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc nâng cao kỹ năng nghề cho những người lao động để góp phần phục hồi kinh tế và phát triển bền vững. Đó cũng chính là sứ mệnh và thách của giáo dục nghề nghiệp nước ta trong bối cảnh bình thường mới.

Ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam năm nay (4/10/2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có Thư kêu gọi “Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng”.

Chủ tịch nước khẳng định: “Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia”, đề nghị Quốc hội, Chính phủ; và các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, đồng thời cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động tiếp tục tham gia tích cực vào sự nghiệp hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động”.

Và, kỹ năng cũng sẽ là đơn vị tiền tệ mới trong thế kỷ 21?

– Đúng vậy! Ở phạm vị toàn cầu, Báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy dưới tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19 và CMCN 4.0, trong 5 năm tới trên 80% doanh nghiệp gia tăng làm việc từ xa và chuyển sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc; tỷ lệ tự động hóa lên tới 50%, và một tỷ lệ tương ứng người lao động cần được đào tạo lại, bổ sung những kỹ năng mới để phù hợp với yêu cầu công việc.

Báo cáo trên kêu gọi các Chính phủ ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch Covid-19, bởi 79% doanh nghiệp hiện nay không có khả năng ngân sách cho nhiệm vụ này.

Trong khi việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5-2%. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã coi kỹ năng là đơn vị tiền tệ mới trong thế kỷ 21 bởi nó đem lại năng lực cạnh tranh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn và cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vậy theo ông, Việt Nam có những lợi thế nào để không ngừng gia tăng đơn vị tiền tệ mới này?

– Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng với 55 triệu lao động, nhưng “điểm nghẽn” lại chính là chất lượng nguồn nhân lực bởi tỷ lệ lao động qua đào có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,6%, chỉ số kỹ năng và chất lượng đào tạo nghề tuy tăng ấn tượng nhưng vẫn ở mức 97/140 còn ở khoảng cách xa so với các nước Đông Bắc Á và ASEAN.

Tỷ lệ người lao động được đào tạo trình độ ĐH (đại học) trở lên nhưng lại làm những vị trí công việc chỉ yêu cầu trình độ CĐ (cao đẳng) trở xuống tăng nhanh trong 10 năm qua đã tăng từ 12% lên 25%. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động của chúng ta vẫn rất thấp, dù tăng trưởng kinh tế khá cao trong hai thập kỷ rưỡi qua.

Chúng ta sẽ hết cơ hội, hay nói cách khác là “hết giờ” để tranh thủ thời cơ dân số vàng và bắt kịp với các nền kinh tế mới nổi trong khu vực nếu không tăng tốc phát triển nhân lực có kỹ năng, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Đào tạo nghề - đột phá gỡ điểm nghẽn nhân lực và phục hồi kinh tế - 2
Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng với 55 triệu lao động, nhưng “điểm nghẽn” lại chính là chất lượng nguồn nhân lực bởi tỷ lệ lao động qua đào có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp (Ảnh: Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội).

Đào tạo phát triển nguồn nhân lực là chìa khóa đột phá

– Các kịch bản phục hồi kinh tế và số liệu dự báo được đề ra sau bốn đợt dịch bệnh liên tiếp “càn quét” kinh tế Việt Nam. Nhưng theo ông, đâu sẽ là kịch bản trọng tâm?

Bốn đợt dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vừa qua đã gây sức ép nặng nề về mọi mặt cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho thị trường lao động nói riêng. Tổng cục Thống kê cho biết, quý III/2021 cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III/2021 thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Từ tháng 7 đến giữa tháng 9/2021 có tới 1,3 triệu người rời khỏi các thành phố lớn về quê.

Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn nước ta cho thấy, để phục hồi kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh dịch bệnh, nên cạnh tiến độ bao phủ vắc xin và các trụ cột quan trọng như: Phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt; triển khai các chương trình đầu tư quy mô lớn có tác động lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; nâng cao chất lượng thể chế; có chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa đồng bộ, hiệu quả… thì tiên quyết, quan trọng nhất vẫn là phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao – một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước thời gian tới.

– Phía Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có phương án nào để tạo đột phá phát triển nhân lực có kỹ năng nghề hậu đại dịch?

Năm 2021 là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội, chúng tôi tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung xây dựng các chương trình, đề án, dự án trong và ngoài nước để định hướng và có nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp trong trung hạn và dài hạn; chuẩn bị đào tạo những ngành nghề mới, kỹ năng tương lai.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành, đã kịp thời tổ chức làm việc và duy trì thường xuyên cơ chế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương (trực tiếp và trực tuyến) để cùng nhận diện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ ở địa phương, cơ sở GDNN; đổi mới tuyển sinh và phương pháp đào tạo thích ứng với bối cảnh mới, chuyển đổi từ hình thức đào tạo trực tiếp sang trực tuyến, chuyển từ đào tạo chính quy tập trung là chủ yếu sang đào tạo linh hoạt, kết hợp giữa tại trường và tại nơi làm việc,… Nhờ đó, hệ thống các trường nghề trên cả nước đã duy trì được các hoạt động tuyển sinh, đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh với nhiều mô hình đào tạo đa dạng, nhiều trường thực hiện mô hình 1 cung đường 2 điểm đến, 3 tại chỗ, thầy trò cùng ăn, ở và hướng dẫn sinh viên học, góp phần đảm bảo nguồn cung ứng lao động có tay nghề, duy trì sản xuất cho các tập đoàn, doanh nghiệp FDI thời gian qua.

Đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN. Điều này thể hiện rõ nét qua những chỉ đạo của Tổng cục và nỗ lực triển khai của các trường trong dạy học trực tuyến, đặc biệt qua giảng nhà giáo GDNN toàn quốc và Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2021 lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến, tổ chức cuộc thi thiết kế bài giảng trực tuyến…, đánh dấu những nỗ lực bước đầu, tạo nền tảng thay đổi về nhận thức trong quá trình chuyển đổi số của giáo dục nghề nghiệp.

Về phần mình, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần làm gì để phát huy vai trò của mình trong công cuộc đưa đất nước phục hồi tái phát triển?

Các cơ sở GDNN cần nhanh chóng thích ứng để thay đổi phương thức trong đào tạo mở, linh hoạt, chú trọng tham gia đào tạo thường xuyên lực lượng lao động; có kế hoạch điều chỉnh danh mục ngành, nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động; nhanh chóng xây dựng chương trình đào tạo dựa theo chuẩn đầu ra, bên cạnh kỹ năng cốt lõi cần chú trọng trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho người học.

Đặc biệt, cần tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo từ xác định nhu cầu từ doanh nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo, quá trình triển khai đào tạo, đánh giá, tuyển dụng…

Đào tạo nghề - đột phá gỡ điểm nghẽn nhân lực và phục hồi kinh tế - 3
Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng (phải, ngoài cùng) trong chuyến làm việc tại trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp Vĩnh Phúc (Ảnh: TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH (Ảnh: Tổng Cục GDNN).

Giải pháp trước mắt, trung hạn và dài hạn

Theo ông, Chính phủ nên có giải pháp trọng tâm nào về giáo dục nghề nghiệp để nâng cao tay nghề cho người lao động?

– Trước mắt, tôi cho rằng, cần cho kéo dài ít nhất một năm nữa việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.

Chính sách này sẽ rất khó thành công trong năm 2021 như dự kiến bởi do tác động của dịch bệnh, đa số các doanh nghiệp thiếu hụt lao động cho phục hồi sản xuất kinh doanh nên chưa ưu tiên thời gian cho việc đào tạo người lao động, nhất là phải chạy cho kịp các đơn hàng cuối năm.

Đồng thời, cần bổ sung thêm chính sách và nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho HSSV và người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ Bảo hiểm Thất nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của thị trường lao động, nhất là khu vực, địa bàn thành thị tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi mà các chính sách hỗ trợ đào tạo cho vùng nghèo, vùng dân tộc, vùng nông thôn trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia không bao phủ.

Còn về trung hạn và dài hạn thì sao, thưa ông?

– Vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp và quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây được coi là kim chỉ nam, định hướng cho giáo dục nghề nghiệp phát triển nhanh theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.

Tôi cho rằng, cần chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề; tăng nhanh quy mô đào tạo nghề, nhất là khi mà nhu cầu lao động có kỹ năng tăng cao nhưng những rào cản bởi dịch bệnh và năng lực chuyển đổi, thích ứng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế nên năm nay tuyển sinh đào tạo chỉ đạt 80% kế hoạch đầu năm.

Đồng thời, cần ưu tiên ngân sách để đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ cho 70 trường chất lượng cao, 150 nghề trọng điểm; 20 nghề, kỹ năng tương lai theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó cần chuyển đổi số mạnh mẽ và thay đổi phương thức đào tạo, đây được xem là giải pháp cốt lõi để tăng khả năng thích ứng trong thế giới việc làm đang thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; giúp đổi mới hoạt động dạy và học tại các cơ sở GDNN theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực của người học, tăng khả năng tự học, gắn học lý thuyết với thực hành để tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo theo xu hướng quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác công, tư; gắn kết GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động.

Và cuối cùng, Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2021, Tổng cục trưởng gửi gắm gì đến ngành giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề, cán bộ quản lý, giảng viên, học sinh sinh viên?

– Dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, chúng ta đang phải chuyển sang trạng thái thích ứng với hoàn cảnh mới, trong năm tới có thể vẫn còn tiếp tục gặp phải những khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần quyết tâm cao sức sáng tạo và bầu nhiệt huyết của các cơ sở GDNN và của cả hệ thống GDNN, hy vọng chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đặt ra.

Nhân dịp bước sang năm mới 2022 và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, tôi xin chúc các thầy/cô giáo, cán bộ quản lý và toàn thể người lao động trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, an bình, tiếp tục có những thành công, công hiến cho sự nghiệp phát triển giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Chúc các em học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp mạnh khỏe, học tập tốt, bình an, vững tin và thành công với đam mê nghề nghiệp đã lựa chọn./.

Xin trân trọng cám ơn Tổng cục trưởng!

Lệ Thu

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/dao-tao-nghe-dot-pha-go-diem-nghen-nhan-luc-va-phuc-hoi-kinh-te-20220202233833012.htm

Nhận xét

Đăng ký xét tuyển trực tuyến Trường Trung cấp Lê Thị Riêng TP Hồ Chí Minh
>>>Đăng ký ngay!<<<