Hướng đến nguồn nhân lực “chắc chuyên môn, vững đạo đức”

Hướng đến nguồn nhân lực “chắc chuyên môn, vững đạo đức”

37
SHARE
Rate this post

(PetroTimes) – Nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai không chỉ là nguồn nhân công giá rẻ, giản đơn mà phải hướng đến lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản, chắc về chuyên môn và vững về đạo đức. Đây là chia sẻ từ ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP HCM với Tạp chí Năng lượng Mới.

(PetroTimes) – Nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai không chỉ là nguồn nhân công giá rẻ, giản đơn mà phải hướng đến lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản, chắc về chuyên môn và vững về đạo đức. Đây là chia sẻ từ ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP HCM với Tạp chí Năng lượng Mới.
Hướng đến nguồn nhân lực

PV: Thưa ông, năm 2023 là năm khó khăn của doanh nghiệp và người lao động. Ông có những dự báo, đánh giá như thế nào về thị trường này trong năm 2024?

Ông Trần Anh Tuấn: Tổng quan tình hình kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu lạc quan như chi tiêu tiêu dùng tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát đang trên đà hạ nhiệt… đang thúc đẩy niềm tin tươi sáng hơn vào năm 2024. Theo đó, thị trường lao động Việt Nam có sự tiến triển nhất định, nhu cầu tuyển dụng khởi sắc. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức mới đến từ tình hình thế giới, sự phát triển vũ bão của công nghệ. Trước nhiều cơ hội và thách thức của thị trường lao động, việc làm có xu hướng chuyển từ nhóm nghề giản đơn sang nghề kỹ thuật chuyên môn, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động.

Tôi cho rằng thị trường lao động phát triển theo các quy luật mới của nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, hội nhập khu vực và quốc tế, có nhiều biến động về chênh lệch “cung – cầu”, số lao động không ổn định việc làm, mất việc làm, tái bố trí lại việc làm cũng rất lớn. Nhu cầu nhân lực hiện tại và tương lai yêu cầu chính là chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp từ giản đơn sang kỹ thuật chuyên môn, lao động giản đơn trở nên yếu thế, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Bước vào giai đoạn phục hồi, các nền kinh tế ghi nhận xu hướng thị trường lao động mất nhiều thời gian hơn để quay trở lại mức trước khi kinh tế suy thoái. Theo nhận định và phân tích các chỉ số về thông tin doanh nghiệp, về tuyển dụng nhân lực cũng như nhu cầu của thị trường lao động, nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao, lao động tay nghề và lao động chuyên môn sẽ cần cho nhiều lĩnh vực mới.

Hướng đến nguồn nhân lực
Tư vấn giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên

PV: Theo ông, những ngành nghề nào sẽ rộng cửa việc làm trong tương lai?

Ông Trần Anh Tuấn: Thị trường lao động Việt Nam trong những năm tới sẽ nổi lên 4 xu hướng phát triển chính. Đó là gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; xu hướng lao động “khởi nghiệp, tự tạo việc làm” gia tăng. Việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất và ứng dụng công nghệ số sẽ dần phổ biến và làm thay đổi hình thức việc làm. Theo thống kê tại Việt Nam, 68% công việc hiện đòi hỏi kiến thức về kỹ năng số với những kỹ năng cơ bản, 1/5 công việc cần các kỹ năng số đặc biệt chuyên sâu.

Nguồn nhân lực số phải là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chắc về chuyên môn, vững về đạo đức, có năng lực làm chủ công nghệ, có tính sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ trong nền kinh tế. Tuy nhiên nguồn nhân lực số của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn những kỹ năng cần thiết để hoàn toàn làm chủ các chương trình chuyển đổi số.

Sự thành công trong thị trường lao động đối với những người biết chọn ngành, chọn nghề, chọn cấp bậc học phù hợp, có sở trường, có năng lực và học tập tốt… sẽ xây dựng được giá trị và năng lực làm việc, yếu tố quyết định sự thành công.

Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhóm ngành nghề Kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35%, nhóm ngành Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính chiếm tỷ trọng 33%, nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng 7%, các nhóm ngành khác chiếm tỷ trọng 3-5%.

Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm bình quân trên 90%. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo đại học chiếm tỷ trọng bình quân 20%, cao đẳng chiếm 18%, trung cấp chiếm 27%… Dự báo có 9 nhóm ngành nghề cần nhiều nhu cầu nhân lực gồm: Công nghệ thông tin kỹ thuật phần mềm, an toàn thông tin, khoa học dữ liệu, robot và trí tuệ nhân tạo; công nghệ kỹ thuật cơ khí, tự động hóa, điện – điện tử, công nghệ vật liệu, năng lượng; kiến trúc, công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng môi trường; công nghệ nông – lâm, thủy hải sản, công nghệ thực phẩm, tin học; quản trị kinh doanh, kinh tế thương mại; du lịch và lữ hành, dịch vụ nhà hàng khách sạn; sư phạm giáo dục, sư phạm kỹ thuật; y, dược; khoa học xã hội.

Hướng đến nguồn nhân lực
Công nhân chất lượng cao

PVCòn những ngành nghề nào sẽ biến mất trong 5-10 năm tới?

Ông Trần Anh Tuấn: Cùng với sự phát triển và ngày càng phổ biến của trí tuệ nhân tạo, sẽ có những ngành nghề dần biến mất và đồng thời nhiều công việc mới sẽ ra đời, những công việc yêu cầu độ chính xác cao, thao tác giản đơn, dễ dàng thực hiện theo hướng dẫn, có thể tính toán dựa trên việc hệ thống hóa… sẽ là những ngành nghề có nhiều khả năng biến mất.

Hiện nay một số ngành nghề truyền thống như: thu cước, bưu tá, tiếp thị qua điện thoại, trực tổng đài, làm vườn… đang có dấu hiệu đi xuống do sự thay đổi của công nghệ và quy trình sản xuất kinh doanh hiện đại. Tuy nhiên, việc mất hẳn một số nghề này còn phải một thời gian khá dài nữa.

PVTrước những thách thức của thị trường lao động, người lao động cần phải làm gì để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp?

Ông Trần Anh Tuấn: Để phù hợp thị trường lao động phát triển theo yêu cầu CMCN 4.0 và hội nhập, tôi cho rằng người lao động phải bảo đảm 6 điều kiện chất lượng nghề nghiệp. Thứ nhất là năng lực nghề nghiệp, phải am hiểu và ứng dụng nghề, thích ứng môi trường làm việc, dễ đào tạo nâng cao… Thứ 2 là kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và hài hòa áp lực công việc. Thứ 3 là kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động. Thứ 4 là hiểu và ứng dụng thiết bị công nghệ bao gồm công nghệ thông tin. Thứ 5 là sử dụng tốt một ngoại ngữ. Và cuối cùng là phải hiểu biết cụ thể về thị trường và pháp luật bao gồm pháp luật lao động.

Bên cạnh đó, người lao động cần liên tục cập nhật về tin tức thị trường, xu hướng tuyển dụng, nắm bắt yêu cầu của nhà tuyển dụng, chủ động học hỏi để phát triển và thể hiện tốt các kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, ngoại ngữ và thích ứng với thay đổi… Đặc biệt là phải nắm bắt các xu hướng làm việc mới, biết áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào công việc để nâng cao năng suất lao động. Cần rèn luyện cho mình kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, ý thức, thái độ khi tiếp cận với vị trí việc làm… để sẵn sàng tiếp cận các vị trí việc làm mới.

Mỗi người tự “làm giàu” vốn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ tiếp thu được những giá trị, nâng cao năng lực làm chủ bản thân, làm chủ tri thức, làm chủ kỹ thuật và công nghệ mới để luôn thích ứng với những biến đổi nhanh của xã hội trong thời kỳ hội nhập và công nghệ số.

Theo dự báo, giai đoạn 2025-2035, xu hướng tuyển dụng các ngành liên quan đến công nghệ trong thời đại CMCN 4.0 luôn ở mức cao nhất so với các ngành khác. Vì vậy nhu cầu nhân lực qua đào tạo gắn với chuyển đổi số, khả năng thích ứng với sự chuyển đổi của xã hội ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thị trường lao động.

Vai trò chủ đạo của công nghệ kết nối kỹ thuật số đang gây ra sự thay đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực cuộc sống, đó là kỷ nguyên của thời đại kỹ thuật số. Nhu cầu về nhân lực trong nền công nghiệp tương lai này đã thay đổi, máy móc trong nhà máy đang cần người làm việc có những kỹ năng mới để vận hành. Đó là “lao động tri thức”.

Hướng đến nguồn nhân lực
Hướng đến nguồn nhân lực “chắc chuyên môn, vững đạo đức”

Đồng thời nguồn nhân lực qua đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp tại các thành phố sẽ bị tác động mạnh về di chuyển lao động, tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, góp phần gia tăng sự mất cân đối cung – cầu lao động. Đặc biệt là nguồn cung lao động có kỹ năng và trình độ cao. Dòng dịch chuyển lao động tri thức của các nước trong khu vực lúc này sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm đòi hỏi phải có trình độ cao.

Thị trường lao động Việt Nam sẽ nổi lên 4 xu hướng phát triển chính. Đó là gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; xu hướng lao động “khởi nghiệp, tự tạo việc làm” gia tăng. Việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất và ứng dụng công nghệ số sẽ dần phổ biến và làm thay đổi hình thức việc làm.

PVTheo ông, khi chọn nghề nghiệp cho tương lai, chúng ta nên chọn theo sở thích hay theo xu hướng?

Ông Trần Anh Tuấn: Tương lai cuộc đời tùy thuộc vào nghề nghiệp của mỗi người. Điều quan trọng không nằm ở nghề gì kiếm được nhiều tiền và có tạo dựng được danh tiếng hay không, cũng không nằm ở chọn ngành theo sở thích hay theo xu hướng nghề nghiệp trong 5 năm tới, mà cái chính là nghề nghiệp đó có phù hợp với bản thân hay không.

Vấn đề quan trọng nhất của nghề nghiệp tương lai đối với mỗi cá nhân là phải chọn nghề phù hợp với khả năng bản thân, với thị trường lao động, để phát triển theo xu thế hội nhập và tiến đến CMCN 4.0. Muốn làm việc có thu nhập cao đều phải đầu tư về kiến thức, kỹ năng nghề và thái độ lao động. Mỗi người có cá tính, sở thích, đam mê và khả năng khác nhau thì sự kỳ vọng vào tương lai sẽ khác nhau… nên việc chọn con đường tiến thân sẽ không giống nhau. Vì vậy, mỗi người phải chọn nghề, bậc học, chương trình học và trường đào tạo phù hợp cho chính mình và phải dành thời gian làm tốt việc chọn nghề, chọn ngành học để thật sự khi qua đào tạo có đủ năng lực phù hợp hành nghề, tự tin bước vào thị trường lao động.

PVHiện nay, nhiều người trẻ có xu hướng chọn làm việc tại nhà, làm việc tự do… Là một chuyên gia trong lĩnh vực thị trường lao động, quan điểm của ông về xu thế này như thế nào?

Ông Trần Anh Tuấn: Sau đại dịch Covid-19, xu hướng làm việc kết hợp ở nhà và công sở lên ngôi, cùng với làn sóng làm việc tự do đã thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực. Xu hướng làm việc tự do đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ đang mở rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Cùng với đó, càng có nhiều người chọn gắn bó với hướng làm việc này khi có hơn 60% người tham gia khảo sát cho rằng, họ sẽ theo đuổi sự nghiệp làm việc tự do toàn thời gian hoặc bán thời gian.

Ưu điểm dễ nhận ra nhất, làm việc tại nhà mang lại sự thoải mái và tự do, không phải tuân theo những quy tắc của môi trường công sở về trang phục, tác phong, giờ giấc và vị trí. Làm việc tại nhà không bị ảnh hưởng các phiền nhiễu tác động, không phải dành quá nhiều thời gian cho hội họp, tiết kiệm được một khoản tiền cho chi phí đi lại, ăn uống, có thêm nhiều thời gian cho việc chăm sóc gia đình, có quyền lựa chọn một không gian riêng tư để tự do sáng tạo, tránh được rất nhiều áp lực căng thẳng, linh động hơn sẽ có thêm điều kiện để cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc.

Tuy nhiên, hình thức làm việc tại nhà cũng có khá nhiều vấn đề cần chú ý. Đó có thể là sự cô lập, ù lì, thiếu chuyên nghiệp và mất đi cơ hội thăng tiến. Bởi không có sự giám sát chủ động nên có thể người làm việc tại nhà sẽ lơ đễnh, không tự giác và thiếu tập trung vào mục tiêu công việc, hạn chế là không tách bạch được mức độ quan trọng của các yêu cầu khác nhau, không phân chia tốt thời gian cho nhiệm vụ cơ quan và việc cá nhân hoặc rơi vào tình trạng làm việc không có điểm dừng, thời gian nghỉ ngơi không hợp lý. Về lâu dài, sẽ không thể đạt được kết quả tích cực cho công việc trong khi sức khỏe, tác phong công sở và tính kỷ luật lại giảm sút. Ngoài ra, một hạn chế cũng cần lưu tâm, đó là với hình thức làm việc từ xa, sự kết nối thông tin với tổ chức sẽ lỏng lẻo, ít giao lưu chia sẻ cùng đồng nghiệp, xa lạ với sự phát triển của công ty.

Vì vậy chọn hình thức làm việc, bạn cần xác định mục tiêu và đặc thù công việc của mình cùng với những mong muốn cá nhân mà quyết định lựa chọn hình thức phù hợp. Làm việc từ xa hay làm việc tại công ty chỉ là hình thức làm việc, quan trọng là dù bạn làm ở đâu, trong môi trường, hoàn cảnh nào, cũng cần linh hoạt và nỗ lực học tập không ngừng, đó mới là vũ khí giúp người làm việc sống tốt giữa thời đại này.

PVXin cảm ơn ông!

Vấn đề quan trọng nhất của nghề nghiệp tương lai đối với mỗi cá nhân là phải chọn nghề phù hợp với khả năng bản thân, với thị trường lao động, để phát triển theo xu thế hội nhập và tiến đến CMCN 4.0. Muốn làm việc có thu nhập cao đều phải đầu tư về kiến thức, kỹ năng nghề và thái độ lao động.

Phương Vy

Nhận xét

Đăng ký xét tuyển trực tuyến Trường Trung cấp Lê Thị Riêng TP Hồ Chí Minh
>>>Đăng ký ngay!<<<