Lương cao vẫn khó tuyển
Những ngày đầu tháng 6, trên nhiều tuyến đường trong các khu công nghiệp ở Bình Dương hầu như đều có điểm tiếp nhận hồ sơ tìm việc làm. Trước cổng nhiều công ty còn treo bảng thông báo tuyển dụng song tất cả đều chung hoàn cảnh vắng người tìm việc, cho dù mức lương các doanh nghiệp (DN) đưa ra là từ 6,5 triệu đến hơn 12 triệu đồng/tháng. Theo thừa nhận của đại diện một số DN, vì cần gấp lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất nên DN đưa ra mức lương cao gần gấp đôi so với trước.
Công ty Wanek (KCN Mỹ Phước 3 – Bình Dương) đang tuyển dụng 1.700 công nhân. Trong đó, tuyển 500 công nhân may, 500 công nhân kho, 300 công nhân đóng ghế, 200 công nhân nhồi mút, 200 công nhân đóng gói và kiểm phẩm. Tuy nhiên, theo nhân viên bảo vệ công ty, dù cần số lượng lớn lao động nhưng cả tháng nay chỉ có vài người đến nộp hồ sơ.
Người lao động đến nộp hồ sơ tìm việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Đồng Nai. Ảnh: M.T |
Nhiều DN tại TPHCM cũng treo băng rôn tuyển lao động với số lượng lớn. Đơn cử như Công ty TNHH Nidec Việt Nam (khu công nghệ cao TPHCM) tuyển lao động, với thu nhập khá hấp dẫn từ 9 – 14 triệu/tháng, bao gồm lương cơ bản và các khoản bảo hiểm xã hội, tiền chuyên cần, tăng ca, phụ cấp đi lại… Công ty TNHH Việt Thắng Jean cũng tuyển hơn 100 lao động, chỉ yêu cầu có sức khỏe, không yêu cầu độ tuổi.
“Cầu cứu” các tỉnh
Trước cơn “khát” lao động của 180 DN (cần tuyển hơn 22.000 lao động), mới đây LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã có văn bản kèm theo danh sách tuyển dụng gửi đến LĐLĐ của 28 tỉnh, thành phố trong cả nước để nhờ hỗ trợ, chia sẻ thông tin tuyển dụng đến người dân trong độ tuổi lao động.
Đứng tần ngần trước bảng tuyển dụng ngay cổng khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM), chị Nguyễn Thị Thu (40 tuổi, quê Trà Vinh) quyết định chưa nộp hồ sơ mà tiếp tục làm công việc phụ bán hàng ở tiệm tạp hóa đến hết năm nay. “Tôi vừa nghỉ việc hồi đầu năm 2024, đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và sau đó rút BHXH một lần sau 20 năm làm việc. Vì vậy, tôi chọn việc bán thời gian hoặc công việc không ký hợp đồng lao động chứ không chọn việc chính thức” – chị Thu chia sẻ.
Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Cơ khí Đồng Lực (TP Dĩ An, Bình Dương) cho biết, công ty cần tuyển hàng trăm công nhân không cần kinh nghiệm, khi nhận vào công ty sẽ đào tạo chuyên môn. Công nhân sẽ được hưởng lương từ 7,5 – 12 triệu đồng/tháng. Dù đưa ra mức lương cao gần gấp đôi so với trước song DN vẫn khó tìm đủ người làm.
Công nhân sản xuất trong nhà máy ở Bình Dương. Ảnh: H.C |
Ông Mai Phú Hùng, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (Bình Dương), cho biết tuy thị trường chưa phục hồi như trước đây, nhưng hiện nay DN nhận được nhiều đơn hàng hơn và cần nhiều lao động. Hiện tại, công ty cần tuyển khoảng 800 lao động phổ thông, không yêu cầu kinh nghiệm, bằng cấp bảo đảm thu nhập ổn định, các chế độ chính sách đầy đủ.
Do khó tuyển dụng, nhiều DN đã tìm tới các công ty môi giới. Dù vậy, bản thân các công ty này cũng không tìm được nguồn cung ứng lao động. Ông Trần Ngọc Lương – Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng lao động Đức Lương cho biết, nhu cầu tuyển dụng của các DN may mặc, giày da, điện tử rất lớn. Nhóm DN khác cũng cần tuyển nhưng số lượng ít hơn. Tuy nhiên, nguồn lao động hiện nay rất khan hiếm.
Trước thực trạng trên, Phó giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội (LĐTB&XH) Đồng Nai Nông Văn Dũng cho biết, sở phải trực tiếp liên hệ với các DN cắt giảm lao động để giới thiệu đến các DN đang tuyển dụng lao động.
Tại anh, tại ả…
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Thanh Thuận (40 tuổi, quê Thái Bình) cho biết, trước đây anh làm thợ có tay nghề gần 10 năm tại công ty may mặc. Nhà máy đặt tại phường Tân Đông Hiệp (TP Dĩ An, Bình Dương). Từ giữa đến gần cuối năm 2023, công ty liên tục thông báo gặp khó khăn nên giảm giờ làm. Thu nhập hàng tháng của anh giảm còn dưới 5 triệu đồng, không đủ để trang trải cuộc sống. “Đầu năm 2024, một công ty điện tử thông báo tuyển dụng, dù trái ngành nghề nhưng mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng nên tôi đến thử việc và gắn bó đến giờ”- anh Thuận chia sẻ.
Công nhân nghỉ việc tự khởi nghiệp bằng nghề làm hoa sáp. Ảnh: U.P |
Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, do tình hình kinh tế – xã hội gặp khó khăn, tác động mạnh đến thị trường lao động dẫn đến rất nhiều DN bị ảnh hưởng. Hàng nghìn lao động bị mất việc, giảm giờ làm ở các lĩnh vực như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử, chế biến gỗ… Không thể tham gia thị trường lao động, nhiều người trở về quê và đã ổn định cuộc sống, không còn trở lại thành phố. Sau khi có đơn hàng trở lại, nhiều DN đồng loạt tuyển số lượng lao động lớn với mức lương có tăng nhưng mức sống tại thành phố khá cao nên mức lương này chưa thực sự hấp dẫn.
“Các thông tin tuyển dụng tuy đưa ra mức thu nhập có tính khuyến khích, có tiền thưởng dành cho cả người giới thiệu nhưng công việc chưa thể hiện được tính ổn định lâu dài nên khó thu hút lao động” – ông Tuấn nhìn nhận.
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương cho biết, hầu hết các tỉnh hiện nay đã có khu công nghiệp và nhiều DN ra đời. Mức lương công nhân lao động ở Bình Dương tuy có cao hơn song nhiều người vẫn muốn làm việc ở quê để gần gia đình, người thân.
Còn theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM, các DN hiện nay khó tuyển dụng vì lao động phổ thông có nhiều lựa chọn và không nhất thiết phải làm việc ở nhà máy. Đơn cử như tham gia lực lượng tài xế công nghệ, bán hàng,… Đây là những công việc dịch vụ có ưu thế chủ động thời gian, không gò bó về không gian làm việc đang được nhiều người, nhất là lao động trẻ lựa chọn.
UYÊN PHƯƠNG – HƯƠNG CHI – MẠNH THẮNG
Đăng ký xét tuyển trực tuyến Trường Trung cấp Lê Thị Riêng TP Hồ Chí Minh>>>Đăng ký ngay!<<<